A1. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Hàn Quốc với tư cách lưu trú dài hạn đã được cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cấp thì phải làm thủ tục đăng ký cư trú cho người nước ngoài trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
A2. Chuẩn bị đơn đăng ký, hộ chiếu của em bé, 01 hộ chiếu photo của bố/mẹ, 01 bản sao giấy khai sinh do bệnh viện cấp, thẻ người nước ngoài của bố/mẹ, giấy tờ có thể dùng để chứng minh nơi ở (như hợp đồng thuê nhà, giấy xác nhận cung cấp nơi ở, thông báo sắp hết thời hạn lưu trú qua đường bưu điện, biên lai thanh toán hóa đơn điện nước, biên lai phí ký túc xá, giấy xác nhận cư trú tại các cơ sở hỗ trợ như nhà thờ / tổ chức cho người tị nạn / tổ chức nhân quyền /UNHCR, vv...) cùng với lệ phí, sau đó đến cơ quan nhập cư, quản lý xuất nhập cảnh người nước ngoài có thẩm quyền tại nơi cư trú để đăng ký cư trú người nước ngoài. Con của những người tị nạn đã được công nhận sẽ được đăng ký là F-1, con của những người có tình trạng nhân đạo sẽ được đăng ký là G-1-12. Nếu đứa trẻ là con của người đã nộp đơn tị nạn, đứa trẻ đó cũng nộp đơn xin quy chế tị nạn và được đăng ký tình trạng cư trú G-1-5.
A3. Khi thay đổi địa chỉ cư trú, trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày thay đổi phải mang theo thẻ người nước ngoài và các giấy tờ liên quan chứng minh nơi tạm trú mới đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc chi nhánh có thẩm quyền giải quyết nơi ở mới tại địa phương để khai báo. Nếu bạn không phải là người đứng tên trên hợp đồng, bạn phải mang theo giấy xác nhận của đương sự đứng tên trên hợp đồng. Sau khi hoàn thành việc thông báo về thay đổi nơi cư trú, cán bộ phụ trách sẽ ghi nội dung thay đổi vào mặt sau của thẻ người nước ngoài, đóng dấu thay đổi nơi cư trú và cấp lại cho người khai báo. Lưu ý: nếu không khai báo trong thời hạn thay đổi nơi lưu trú, bạn sẽ bị phạt.
A4. Người nước ngoài muốn tiếp tục ở lại Hàn Quốc khi thời hạn lưu trú đã được cấp trước đó sắp hết thì phải được phép gia hạn thời gian lưu trú. Người nước ngoài muốn gia hạn thời gian lưu trú phải nộp đơn từ 4 tháng trước khi kết thúc thời hạn lưu trú hiện tại. Nếu đăng ký xin kéo dài thời gian lưu trú sau khi đã hết thời hạn lưu trú hiện tại thì người đăng ký sẽ bị phạt (Theo điều 25 – Luật kiểm soát xuất nhập cảnh). Người nộp đơn xin gia hạn hoặc người đại diện của mình chuẩn bị đơn xin gia hạn lưu trú và các giấy tờ cần thiết cho từng tư cách lưu trú, sau đó nộp đơn cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền tại nơi cư trú. (Trường hợp người xin gia hạn là vợ hoặc chồng của công dân Hàn Quốc (visa F-6), vv...sẽ có những giấy tờ mà công dân Hàn Quốc không thể đại diện được, vì vậy vui lòng xác nhận trước trước khi nộp hồ sơ).
A5. Theo Luật Cơ bản về đối xử với người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, một gia đình bao gồm những người nhập cư theo diện kết hôn, tức là những người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc đã từng kết hôn hoặc đang có quan hệ hôn nhân với công dân Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc (bao gồm người nhập tịch) được coi là một gia đình đa văn hóa. Do đó, (1) Là một hộ gia đình đơn lẻ, một người nhập cư kết hôn không phải là một gia đình đa văn hóa. (2) Một gia đình bao gồm những người nhập cư theo diện kết hôn nhưng đã ly hôn và con cái có quốc tịch Hàn Quốc thì được xem là một gia đình đa văn hóa. (3) Một gia đình bao gồm những người nhập cư theo diện kết hôn nhưng đã ly hôn và con cái có quốc tịch nước ngoài không được xem là một gia đình đa văn hóa.
A6. Sau khi kết hôn trong thời gian cư trú tại Hàn Quốc, nếu ly hôn mà lý do không thuộc về trách nhiệm của bản thân đương sự, thì sau khi ly hôn, nếu thời gian sinh sống tại Hàn Quốc vượt quá 2 năm và đáp ứng các yêu cầu về cư trú thì đương sự có thể đăng ký xin nhập quốc tịch.
A7. Theo Nghị định thi hành của Luật Giáo dục Tiểu học và Trung học, trẻ em hoặc học sinh người nước ngoài có thể đăng ký nhập học vào các trường và người đứng đầu nhà trường phải kiểm tra thông tin nhập cư. Tuy nhiên, nếu người giám hộ của trẻ em hoặc học sinh không đồng ý với việc kiểm tra đó, thì việc đăng ký nhập học vẫn có thể được chấp nhận kể cả khi không có thẻ đăng ký người nước ngoài, miễn là có thể xác nhận tình trạng cư trú thực tế của trẻ em, học sinh thông qua các loại giấy tờ như hợp đồng thuê nhà hoặc giấy bảo lãnh cư trú. Ngoài ra, theo Nghị định thực thi của Luật Kiểm soát Nhập cư, các cơ quan tổ chức giáo dục cũng được miễn nhiệm vụ thông báo cho các cơ quan quản lý nhập cư, xuất nhập cảnh kể cả khi biết rõ tình trạng trẻ em, học sinh không có thẻ cư trú người nước ngoài.

A8. Người nhập cư thuộc diện tị nạn đã được công nhận thì có thể nộp đơn xin trợ cấp theo điều 7 Luật An ninh Sinh kế Cơ bản Quốc gia thuộc Luật Người tị nạn. Tuy nhiên, trường hợp trẻ em nhập cư với tình trạng và tư cách cư trú khác sẽ không được chính phủ đưa vào danh sách hỗ trợ. Đặc biệt, trẻ em nhập cư không có giấy tờ tùy thân, không có tư cách cư trú thường sẽ bị loại khỏi danh sách cho các dịch vụ xã hội và giáo dục như mở tài khoản ngân hàng trường học, đăng ký trên trang web trường học và các trang web giáo dục, đăng ký bảo hiểm, vv...để học tập trải nghiệm và tham gia các hoạt động, cuộc thi khác nhau. Những yếu tố này đóng vai trò là lý do chính để khuyến khích trẻ em di cư rời khỏi các cơ sở giáo dục công lập.

A9. Ngay cả những lao động người nước ngoài nhập cư không có giấy tờ tùy thân, không có tư cách cư trú cũng vẫn có thể được đảm bảo quyền lợi của họ với tư cách là người lao động. Đây là một thực tế về cung cấp lao động không thể thay đổi bất kể bạn có tình trạng cư trú hay không. Do đó, lao động nhập cư không có giấy tờ cũng phải tuân theo các luật về lao động như Luật Tiêu chuẩn Lao động và Bảo hiểm Bồi thường Tai nạn Công nghiệp.
A10. Trường hợp chậm chi trả lương là khi trên 2 tháng doanh nghiệp đã không thực hiện chi trả hoặc trì hoãn chi trả từ trên 30% tiền lương tháng, hoặc khi trên 4 tháng doanh nghiệp đã không thực hiện chi trả hoặc trì hoãn chi trả từ trên 10% tiền lương tháng thuộc vào một trong các trường hợp thanh toán ít hơn mức lương tối thiểu theo Luật Tiền lương tối thiểu, thì người lao động có thể thay đổi chỗ làm với lý do doanh nghiệp chậm hoặc trì hoãn chi trả lương. Để chứng minh điều này, người lao động phải bảo quản kỹ lưỡng hợp đồng lao động, cũng như bảng lương và chi tiết tiền lương được chuyển vào tài khoản trả lương, đồng thời ghi chép tỉ mỉ thời gian làm việc. Thời hạn nộp hồ sơ là trong vòng 4 tháng kể từ ngày các khoản nợ lương, khoản trả chậm lương được thực hiện hoặc khi việc trả chậm, trả chậm đã kết thúc.
처음페이지이전 10 페이지1다음 10 페이지마지막페이지